Đề ôn học kì 2 môn Ngữ văn 10
Bạn đang xem tài liệu "Đề ôn học kì 2 môn Ngữ văn 10", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- de_on_hoc_ki_2_mon_ngu_van_10.docx
Nội dung text: Đề ôn học kì 2 môn Ngữ văn 10
- ĐỀ ÔN KÌ 2 I. Đọc hiểu Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi: Trần Thủ Độ là người có công lập nên nhà Trần, lại là chú của vua và đứng đầu trăm quan, nhưng không vì thế mà cho mình vượt qua phép nước. Có lần Linh Từ Quốc Mẫu, vợ ông, muốn xin cho một người làm chức câu đương. Trần Thủ Độ bảo người ấy: - Ngươi có phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy phải chặt một ngón chân để phân biệt. Người ấy kêu van mãi, ông mới tha cho. Một lần khác, Linh Từ Quốc Mẫu ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà khóc: - Tôi là vợ thái sư mà bị kẻ dưới khinh nhờn. Ông cho bắt người quân hiệu đến. Người này nghĩ là phải chết. Nhưng khi nghe anh ta kể rõ ngọn ngành, ông bảo: - Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa! Nói rồi, lấy vàng lụa thưởng cho. (Thái sư Trần Thủ Độ - Theo Đại Việt sử kí toàn thư-) Trả lời các câu hỏi: 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? 2. Nêu những tình tiết liên quan đến Trần Thủ Độ? 3. Từ đoạn trích trên hãy nhận xét về nhân cách của Trần Thủ Độ? 4. Hãy trình bày ngắn gọn nội dung đoạn trích? 5. Nhân vật được xây dựng qua những thủ pháp nghệ thuật gì? 6. Qua câu chuyện Thái Sư Trần Thủ Độ, anh/chị rút ra cho mình bài học ý nghĩ gì? 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự 2. Những tình tiết liên quan đến Trần Thủ Độ: - Vợ ông xin cho người nhà làm chức câu đương, Trần Thủ Độ yêu cầu chặt một ngón chân để phân biệt - Vợ ông ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại, về nhà phàn nàn với Trần Thủ Độ, ông cho gọi anh ta lại và ban thưởng. 3. Nhân cách của Trần Thủ Độ: Qua đoạn trích trên có thể thấy, Trần Thủ Độ là người cương trực, liêm khiết, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên lợi ích cá nhân, gia đình. Với tư cách là vị quan lớn trong triều đình, Trần Thủ Độ luôn gương mẫu, tôn trọng pháp luật.
- 4. Nội dung đoạn trích: Đoạn trích kể lại những câu chuyện liên quan đến cách ứng xử của Thái sư Trần Thủ Độ. Đó là sự việc vợ ông xin cho người nhà làm chức câu đương, sự việc vợ ông bị người quân hiệu ngăn lại khi đi qua thềm cấm và cách xử lí sự việc của Trần Thủ Độ. Qua đó bộc lộ những phẩm chất liêm khiết, chính trực đáng ngợi ca ở Trần Thủ Độ. 5. Nhân vật Trần Thủ Độ được xây dựng thông qua các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của nhà viết sử Ngô Sĩ Liên. Đó là nhân vật được đặt trong những tình huống bất ngờ, giàu kịch tính. Mỗi câu chuyện đều có kết cấu thắt nút - cao trào - mở nút, qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ. Lời kể khách quan, sinh động, trung thành với sự thật, tạo nên tính chân thực, khách quan cho một câu chuyện lịch sử. 6. Câu chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ mang đến nhiều bài học có ý nghĩa. - Cần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật - Không vì người thân của mình làm chức vụ lớn mà tỏ thái độ kênh kiệu, phách lối với người khác - Cần cố gắng học tập để có kiến thức, kĩ năng, tự mình xin việc chứ không cần dựa vào quan hệ thân quen mà nhờ vả người khác. - Biết đặt lợi ích của cộng đồng, tập thể lên lợi ích cá nhân II.Làm văn Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích sau: “Lòng này gửi gió Đông có tiện ? Nghìn vàng xin gửi đến non Yên Non Yên dù chẳng tới miền Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong Cảnh buồn người thiết tha lòng Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun” (Trích Chinh phụ ngâm - Những khúc ngâm chọn lọc) Hệ thống luận điểm – Luận điểm 1: Ước muốn của người chinh phụ – Luận điểm 2: Nỗi nhớ của người chinh phụ – Luận điểm 3: Mối quan hệ giữa ngoại cảnh và tâm cảnh.
- * Lập dàn ý chi tiết I) Mở bài – Giới thiệu tác giả Đặng Trần Côn: Đặng Trần Côn sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, là người có những đóng góp lớn đối với nền văn học trung đại Việt Nam, nhất là ở thể loại ngâm khúc – Giới thiệu tác phẩm và đoạn trích: Trong đó nổi tiếng nhất là “Chinh phụ ngâm”, một tác phẩm lên án chiến tranh phi nghĩa cùng với sự thấu hiểu tâm trạng khao khát tình yêu ,hạnh phúc lứa đôi của con người. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, đặc biệt là 8 câu cuối, đã miêu tả tình cảnh và tâm trạng người chinh phụ sống cô đơn, nhung nhớ trong thời gian dài chồng đi đánh trận II. Thân bài 1. Khái quát về đoạn trích – Hoàn cảnh sáng tác: Giữa thế kỉ XVIII, có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long, triều đình cất quân đánh dẹp. Đặng Trần Côn “cảm thời thế mà làm ra” tác phẩm này. – Giá trị nội dung: Đoạn trích miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ , nhớ nhung ở người chinh phụ khát khao được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. 2. Cảm nhận về tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích a.Luận điểm 1: Ước muốn của người chinh phụ – Hình ảnh thiên nhiên: + Gió đông: gió mùa xuân mang theo hơi ấm và sự sống, gió báo tin vui, thể hiện sự sum họp, đoàn viên. + Non Yên: Điển tích chỉ núi Yên Nhiên, nơi biên ải phương bắc xa xôi – nơi người chồng đang chinh chiến. > Hình ảnh thiên nhiên mang tính chất ước lệ, tượng trưng, thể hiện khát khao thường trực trong tâm hồn người chinh phụ - Tấm lòng người chinh phụ: + “Lòng này”: Hình ảnh ẩn dụ cho tấm lòng của người chinh phụ (buồn tủi, cô đơn, lo lắng, trống vắng, hi vọng rồi lại thất vọng) + “Nghìn vàng”: Chi tiết mang tính ước lệ để diễn tả sự trân quý trong tình cảm người vợ dành cho người chồng nơi biên ải xa xôi. -> Ước muốn của người chinh phụ gửi gắm niềm hi vọng, thương nhớ vào ngọn gió xuân mang đến nơi chiến trường xa xôi để người chinh phu thấu hiểu và trở về cùng nàng. hấy được không gian , nỗi nhớ được mở ra thật mênh mông , vô tận , khắc sâu nỗi cô đơn , hiu quạnh. => Không gian vô tận, mênh mông, không giới hạn, không chỉ là không gian vô tận ngăn cách hai vợ chồng, mà còn là nỗi nhớ không nguôi,
- không tính đếm được của người chinh phụ, là tình yêu thương của người vợ nơi quê nhà dành cho chồng. Luận điểm 2: Nỗi nhớ của người chinh phụ – Không gian: + “Non yên – non yên, trời – trời” -> thủ pháp điệp liên hoàn nhấn mạnh khoảng cách xa xôi, trắc trở không gì có thể khỏa lấp nỗi nhớ vời vợi, đau đáu trong lòng người chinh phụ. + “thăm thẳm, đau đáu” : từ láy cực tả cung bậc của nỗi nhớ, thăm thẳm là nỗi nhớ sâu, dai dẳng, triền miên, đáu đáu là nỗi nhớ gắn với nỗi đau, nỗi sầu. -> Nỗi nhớ triền miên trong thời gian vô tận được cụ thể hóa bằng không gian xa vời, khắc họa nỗi nhớ khắc khoải dằng dặc. + “Đường lên bằng trời”: Xa vời dường như không có điểm cuối => Nhấn mạnh sự xa cách trùng khơi của người chinh phụ, thể hiện tình yêu và nỗi nhớ da diết của người chinh phụ. Sắc thái nỗi nhớ mỗi lúc một tăng tiến, dồn nén trở thành nỗi đau xót xa. Luận điểm 3: Mối quan hệ giữa ngoại cảnh và tâm cảnh – “Cảnh buồn”, “người thiết tha lòng”: Cảnh và người đều gặp nhau ở nỗi buồn và niềm đau – Cảnh vốn là vật vô tri nhưng tâm trạng của con người đã nhuốm sầu cảnh vật. + “Cành cây sương đượm”: Gợi sự buốt giá, lạnh lẽo + “Tiếng trùng mưa phun”: Sự ảo não, hoang vắng, nghe được cả tiếng côn trùng kêu rả rích. => Tâm trạng cô đơn, thổn thức, nỗi nhớ thương, khát khao được đồng cảm nhưng vô vọng, người chinh phụ đã hướng nỗi buồn ra ngoài cảnh vật khiến nó cũng trở nên não nề. * Đặc sắc nghệ thuật: – Sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp liên hoàn, từ láy – Thủ pháp tả cảnh ngụ tình – Nghệ thuật miêu tả nội tâm tinh tế – Hình ảnh ước lệ – Giọng điệu da diết, buồn thương c) Kết bài – Khái quát nội dung, nghệ thuật 8 câu thơ cuối: 8 câu thơ cuối như lời gửi gắm nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi đến người chồng nơi biên ải xa xôi. – Liên hệ với số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến có chồng đi lính.